“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài 1): Bị kịch có con nghiện game online

VHO- Thời gian gần đây nhiều chuyên gia đã phải tiếp tục đưa ra những cảnh báo về tình trạng nghiện game online trong giới trẻ, như ngày một gia tăng và có nhiều biểu hiện bất thường, nguy hiểm… Nếu gia đình, xã hội thiếu những biện pháp “khôn khéo” và khoa học sẽ để lại những hệ lụy khó lường cho xã hội. Văn Hóa trở lại vấn đề này với cái nhìn trực diện từ thực tế đau lòng với mong muốn gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nhiều gia đình có con trẻ hiện nay.

“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài 1): Bị kịch có con nghiện game online - Anh 1

T.V.C trò chuyện cùng thầy Đặng Đức Bình và phóng viên

 Nhiều trẻ nghiện game online tới mức “tuyên bố” với bố mẹ không đi học để chơi; hay bị bố đánh, mẹ cầu xin nhưng chúng vẫn phớt lờ… Có lẽ đây là những ngày tháng suy sụp của nhiều gia đình có con nghiện game online.

Được thầy Đặng Đức Bình, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS IVS (huyện Thanh Oai, Hà Nội) giới thiệu, chúng tôi được gặp và làm quen với N.M.H (sinh năm 2009, quê Thái Bình). Nét xinh xắn, thông minh toát trên gương mặt cùng mái tóc dài với dáng người thanh thoát khiến chúng tôi không thể ngờ cháu từng là một cô bé ngang ngược, bất chấp lời khuyên của thầy cô, bố mẹ, bỏ học để đi chơi game.

Bố mẹ bất lực…

N.M.H được bố mẹ đưa vào Trường Tiểu học - THCS IVS hơn một năm trước khi các bạn đồng lứa đang gấp rút chuẩn bị thi học kỳ II của năm học lớp 7. “Một hôm, bố mẹ bảo con thu xếp quần áo để đi du lịch. Khi đến nơi, con vẫn đang say sưa trong trận game online nên không để ý mọi người xung quanh. Khoảng mấy tiếng sau con ngẩng lên thì bố mẹ đã về, và lúc đó con mới biết bị đưa vào trường này”, M.H. nhớ lại.

Kể về những ngày “tối tăm” khi ngày đêm chìm đắm trong các trận chiến ảo đến quên ăn, quên ngủ, còn chuyện học hành chẳng là gì, H. tâm sự với chúng tôi: “Lớp 6 con được bố mẹ mua cho điện thoại thông minh. Lúc đầu cũng chỉ lên mạng xem video bình thường, sau đó bắt đầu chơi trò chơi điện tử. Thời gian này, bố mẹ đều không biết vì con chỉ chơi 20-30 phút/ngày. Dần dần sự ham mê, kích thích trong game tăng dần lên khiến con chơi nhiều hơn, từ một tiếng đến vài tiếng/ngày”. Kỳ nghỉ hè lớp 6 cũng là thời gian M.H. bắt đầu sa đà vào những trò chơi ở quán net. Vào năm lớp 7 H. đã bỏ tiết để đi chơi, dần dần bỏ hết buổi học rồi đến bỏ cả tuần học. Thầy cô giáo thông báo với bố mẹ thì H. bị bố mẹ đánh mắng, khuyên nhủ nhưng con gái vẫn không hề thay đổi. Bố mẹ đành bất lực nhìn con bỏ học đi chơi game. “Lúc mới chơi, con chỉ chơi cho vui thôi. Các trò chơi có nội dung khám phá, bắn nhau, tìm kho báu và ganh đua, cạnh tranh nhau khiến con cố gắng đoạt được. Khi đoạt vị trí thứ nhất thì lại càng cuốn con vào trò chơi. Khi đó con không cần ăn, không cần ngủ, đói thì ăn 1-2 miếng, buồn ngủ thì ngủ 1-2 tiếng/ngày để dành thời gian chơi”, cô bé 14 tuổi tâm sự.

Đến cuối năm học lớp 7 thì “nữ game thủ” tuyên bố với bố mẹ là không thích đi học nữa. Người mẹ bất lực nhìn con, còn bố thì mắng, cấm đoán con gái. Nhưng cô bé càng tỏ ra bướng bỉnh: “Bố càng cấm con càng chơi”. Đánh mắng không được, bố mẹ lại động viên, khuyên nhủ con gái tới lớp, “không học thì lấy gì mà ăn”. Trong gia đình lúc nào cũng xích mích, không êm ấm, hoà thuận. Bố M.H. gợi ý xin cho con ở một trường học ít, chơi nhiều tại Hà Nội nhưng cô bé nhất quyết không đồng ý, chỉ thích học ở Thái Bình. Không còn cách nào khác, bố mẹ phải tìm cách “lừa” cô bé vào Trường Tiểu học - THCS IVS, đặt cô bé vào thế “ván đã đóng thuyền”. “Lúc phát hiện ra bố mẹ nói dối, con rất tức giận, nhưng sau đó thấy bình thường vì ở nhà con cũng không gần gũi với bố mẹ, thường xuyên vắng nhà 2-3 ngày. Được một tuần thì con thấy nhớ mẹ, nên xin thầy cô cho về nhà. Các thầy cô bảo con phấn đấu học tập, nếu có tiến bộ thì 3 tháng nữa bố mẹ đến thăm”, cô bé kể lại.

Kể từ ngày đó, cùng với sự động viên, thương yêu dạy bảo từ thầy cô và các bạn cùng lứa, đến nay M.H. đang chuẩn bị bước vào lớp 9 với mục tiêu tốt nghiệp cấp THCS và đỗ vào trường THPT Lê Quý Đôn tại Thái Bình để được trở về nhà sống chung vui cùng với bố mẹ. N.M.H cho biết, giờ đây điện thoại, internet không còn quan trọng với con, hơn 1 năm qua con vẫn sống vui vẻ mà không cần đến chúng, và nghĩ đến những ngày tháng “sa đoạ” trước kia. “Em con đang học lớp 3, con lo sợ một ngày nào đó nó sẽ sai lầm giống con. Nên khi trở về nhà con sẽ giúp bố mẹ nuôi dạy em không vướng vào game nữa”, cô bé tỏ ra đã trưởng thành trong suy nghĩ.

“Khủng hoảng” khi con nghiện game online (Bài 1): Bị kịch có con nghiện game online - Anh 2

 Cháu T.V.C trò chuyện cùng thầy Đặng Đức Bình

Bị đánh nhưng vẫn bỏ đi chơi game

Khác với H.M, T.V.C (sinh năm 2008, quê Hòa Bình) mới được bố mẹ đưa vào trường được hơn 2 tháng, nhưng cậu đã thể hiện sự chững chạc và có những nhận thức tiến bộ. Cậu cũng trong hoàn cảnh bị bố mẹ “lừa” đi trải nghiệm học kỳ quân đội để đưa đến trường này.

Trong câu chuyện với chúng tôi, C. cho biết cậu có điện thoại thông minh từ năm lớp 7, là phần thưởng học sinh giỏi của bố mẹ. Mới có điện thoại nên cậu chỉ xem video, chụp ảnh, thỉnh thoảng bạn rủ mới chơi điện tử. Dần dần, các bạn tạo ra những nhóm chơi và ganh đua nhau, ai thắng trước, đạt những cột mốc trong game thì dành chiến thắng. Vì thế, từ chỗ bạn rủ mới chơi, C. đã chuyển sang chủ động chơi. Ngày nghỉ, C. chơi từ sáng đến trưa, ăn xong lại chơi đến tối. Sang năm học lớp 8, ban đầu chỉ chơi ngoài giờ học, sau đó trốn học thêm, rồi trốn học chính khóa.

Một lần thầy giáo báo tin cho bố mẹ không thấy con đến lớp nên cả gia đình tá hoả đi tìm thì phát hiện C. đang chơi trong quán net. Người bố không kiềm chế được cơn tức giận đã đánh C. “Lúc đó con cũng rất sợ, nghĩ rằng sẽ không dám chơi nữa. Nhưng được mấy hôm, bạn rủ lại chơi, lại bỏ học, buổi tối bố mẹ đi ngủ liền lẻn ra quán nét chơi đến 3-4h sáng mới về. Dần dần bố mẹ cũng quen, chỉ mắng và khuyên nhủ”, C. kể lại. Một lần, C. đi chơi đêm mệt quá nên ngủ quên ở quán net đến trưa. Bố đi làm về, thấy con đang ở quán net nên tức giận quá kéo con trai về nhà và đánh. “Đây là trận con bị đánh đau nhất, con bị choáng váng ở đầu, gãy kính và chảy máu ở mắt. Đau thế nhưng, bố vừa đi làm thì con lại tiếp tục ra quán net chơi với bạn”, cậu bé “game thủ” tiếp tục câu chuyện. Trong giọng nói ngập ngừng, C. nói rằng, cậu vẫn tiếp tục chơi game dù biết chắc sẽ phải chịu những trận đánh, mắng, nhốt trong nhà xen lẫn những tiếng khóc lóc của mẹ. Có lần cậu đi chơi game về đúng lúc bố đi làm về, thấy bố định đánh thì cậu nói với bố: “Nếu bố mẹ buồn vì con thì con sẽ ra khỏi nhà, con không muốn làm bố mẹ buồn”. Bố liền bảo: “Mày nghĩ thế nào mà nói như thế. Điều bố mẹ buồn nhất là mất con”. Nên bố mẹ không cho đi, bắt cậu ở nhà.

Cho tới cuối học kỳ lớp 9, cậu tiếp tục học hành sa sút, bố mẹ dường như “bó tay” không còn đánh mắng nữa, dù nhiều lần cậu bỏ nhà đi đến 4-5 ngày, chỉ về ăn cơm xong lại đi. Từ khi vào Trường Tiểu học - THCS IVS, C. chưa được gặp lại người thân, chỉ viết thư cho bố mẹ và nhận ra việc làm của mình đã làm cho cả gia đình buồn, day dứt với sai lầm của mình. Cậu xin bố mẹ ở lại trường để tiếp tục học tập… Trò chuyện với chúng tôi, bố của C. anh T.V.D (sinh năm 1979) chia sẻ, gia đình đang chờ đến cuối tháng 8 này để nhà trường cho phép đến thăm con. Gia đình cũng rất trăn trở khi quyết định đưa con vào môi trường học tập nội trú, mẹ cháu cũng rất lo lắng con mình có bị bắt nạt, có được đối xử tử tế không… “Nhưng trước cảnh con mình bỏ học vì mê nghiện game quá, chơi với những bạn xấu, rồi gia đình lúc nào cũng căng thẳng, có những hành động tiêu cực với con nên chúng tôi cũng phải lựa chọn. Rất mừng là qua các bức thư của cháu, gia đình cảm nhận được sự thay đổi trong nhận thức của cháu. Tới đây, khi gặp lại con để biết được thực tế như thế nào và nguyện vọng của con chúng tôi mới quyết định cho con về nhà hay học tiếp tại trường”, anh D tâm sự.

QUỲNH HOA

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc